Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Thông tư 12/2009/TT-BXD cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng



BỘ XÂY DỰNG
------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------
Số: 12/2009/TT-BXD
Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2009
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CHI TIẾT VỀ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 02/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình (sau đây gọi chung là chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng) cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu được cấp chứng chỉ, có đủ điều kiện năng lực tương ứng với lĩnh vực xin đăng ký hành nghề quy định tại Điều 38, 39, 40 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (sau đây viết tắt là Nghị định 12/CP).
2. Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp nếu còn giá trị sử dụng thì được công nhận để hành nghề. Khi hành nghề tại Việt Nam, các cá nhân này phải gửi bản dịch chứng chỉ hành nghề sang tiếng Việt có chứng thực hợp pháp cho Sở Xây dựng địa phương nơi cá nhân đó hành nghề biết để quản lý.
3. Cá nhân là công chức đang làm công việc quản lý hành chính Nhà nước thì không được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Điều 2. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng do Bộ Xây dựng thống nhất phát hành; chứng chỉ hành nghề có bìa cứng, kích thước 85 mm x 125 mm, quy cách của chứng chỉ theo mẫu tại Phụ lục số 3A, 3B, 3C của Thông tư này và có màu sắc như sau:
a) Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư màu xanh da trời.
b) Chứng chỉ hành nghề kỹ sư màu nâu.
c) Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình:
- Màu đỏ đối với chứng chỉ cấp cho người có trình độ đại học.
- Màu hồng đối với chứng chỉ cấp cho người có trình độ cao đẳng, trung cấp.
2. Cách đánh số chứng chỉ hành nghề:
a) Số chứng chỉ bao gồm 3 nhóm ký hiệu như sau:
- Nhóm thứ nhất: Ký hiệu theo loại chứng chỉ (chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư: KTS, chứng chỉ hành nghề kỹ sư: KS, chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng: GS1 đối với màu đỏ, GS2 đối với màu hồng)
- Nhóm thứ hai: Mã số điện thoại của địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);
- Nhóm thứ ba: Số thứ tự của chứng chỉ hành nghề là một số có 5 chữ số.
Các nhóm được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-).
Ví dụ: Cá nhân được Sở Xây dựng Hà Nội cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư có số chứng chỉ như sau: KTS-04-00001.
b) Ký hiệu đối với chứng chỉ được cấp lại:
Đối với chứng chỉ hành nghề cấp lại, sau nhóm thứ ba là các chữ A (B, C) biểu thị cấp lại lần 1 (2, 3)
Ví dụ: Cá nhân đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, nay đề nghị được cấp lại chứng chỉ do bị mất hoặc rách, nát; hết hạn sử dụng hoặc hết hạn thu hồi lần thứ nhất thì số chứng chỉ hành nghề cấp lại được ghi như sau: KTS-04-00001-A.
3. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng gồm các nội dung sau:
a) Các thông tin về nhân thân của người được cấp chứng chỉ;
b) Trình độ chuyên môn được đào tạo;
c) Lĩnh vực và phạm vi được phép hành nghề;
d) Thời hạn có giá trị của chứng chỉ;
đ) Các chỉ dẫn khác.
4. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề:
Giám đốc Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng và quản lý hoạt động hành nghề tại địa phương theo quy định của Nghị định 12/CP, hướng dẫn của Thông tư này và pháp luật khác có liên quan.
5. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có hiệu lực trong thời hạn 5 năm, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp lại.
Điều 3. Hội đồng tư vấn xét cấp chứng chỉ hành nghề
1. Hội đồng tư vấn xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây viết tắt là Hội đồng tư vấn) do Giám đốc Sở Xây dựng quyết định thành lập để giúp Giám đốc Sở Xây dựng xem xét cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, cụ thể:
a) Tuỳ thuộc vào loại hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề và tình hình của mỗi địa phương, Giám đốc Sở Xây dựng quyết định thành phần, cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên của Hội đồng tư vấn cho phù hợp, trong đó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở Xây dựng và uỷ viên thường trực là công chức của Sở Xây dựng.
b) Các uỷ viên tham gia Hội đồng là những cá nhân có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và có uy tín đại diện của các Sở có xây dựng chuyên ngành (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Xây dựng) và các Hội nghề nghiệp ở Trung ương hoặc địa phương giới thiệu để Giám đốc Sở Xây dựng xem xét quyết định.
2. Hội đồng tư vấn có nhiệm kỳ trong thời hạn 3 năm.
3. Hội đồng tư vấn hoạt động theo Quy chế do Giám đốc Sở Xây dựng quyết định ban hành theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4 của Thông tư này.
Điều 4. Xác định thời gian có kinh nghiệm nghề nghiệp để xét cấp chứng chỉ hành nghề
1. Thời gian kinh nghiệm là thời gian tính từ ngày cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề chính thức tham gia hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với nội dung xin đăng ký hành nghề.
2. Đối với cá nhân có thời gian tham gia hoạt động xây dựng kể từ ngày tốt nghiệp đại học chưa đủ thời gian theo quy định, nhưng trước đó đã có bằng cao đẳng, trung cấp và đã tham gia thiết kế, thi công hoặc giám sát thi công xây dựng thì thời gian đó được xem xét tính là thời gian có kinh nghiệm để xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người xin cấp chứng chỉ hành nghề
Người xin cấp chứng chỉ hành nghề có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Quyền:
a) Yêu cầu cung cấp thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề;
b) Được hoạt động hành nghề trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật;
c) Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm các quy định của Nghị định 12/CP và của Thông tư này;
2. Nghĩa vụ:
a) Khai báo trung thực hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Thông tư này; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của hồ sơ; nộp lệ phí theo quy định;
b) Hành nghề đúng với nội dung chứng chỉ được cấp, nhận và thực hiện các công việc hoạt động xây dựng trong phạm vi cho phép của chứng chỉ hành nghề và tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;
c) Không được cho người khác thuê, mượn hoặc sử dụng chứng chỉ để hành nghề;
d) Không được tự ý tẩy xoá, sửa chữa chứng chỉ;
đ) Không vi phạm đạo đức nghề nghiệp;
e) Xuất trình chứng chỉ và chấp hành các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Chương II
CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Mục I. TỔ CHỨC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ
Điều 6. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Người được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Điều kiện chung:
a) Có quyền công dân và có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có giấy phép cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
b) Có đạo đức nghề nghiệp và có hồ sơ xin cấp chứng chỉ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này và đã nộp lệ phí theo quy định.
2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư:
a) Có các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kiến trúc hoặc quy hoạch xây dựng do cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp;
c) Có kinh nghiệm trong công tác thiết kế ít nhất 5 năm và đã tham gia thực hiện thiết kế kiến trúc ít nhất 5 công trình hoặc 5 đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt;
3. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư:
Có các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với nội dung đăng ký hành nghề do cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp;
c) Có kinh nghiệm về lĩnh vực xin đăng ký hành nghề ít nhất 5 năm và đã tham gia thực hiện thiết kế hoặc khảo sát ít nhất 5 công trình;
4. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình:
a) Có các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên (đối với chứng chỉ hành nghề loại màu đỏ) hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp (đối với chứng chỉ hành nghề loại màu hồng) thuộc chuyên ngành đào tạo phù hợp với nội dung xin đăng ký hành nghề, do cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.
c) Đã trực tiếp tham gia thực hiện thiết kế hoặc thi công xây dựng từ 3 năm trở lên hoặc đã tham gia thực hiện thiết kế, thi công xây dựng ít nhất 5 công trình được nghiệm thu bàn giao.
d) Đã thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình từ 3 năm trở lên (áp dụng đối với trường hợp trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành).
đ) Có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng phù hợp với loại công trình xin cấp chứng chỉ do cơ sở đào tạo được Bộ Xây dựng công nhận cấp;
Điều 7. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng gồm các tài liệu sau:
1. Đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu tại Phụ lục số 1 của Thông tư này.
2. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ liên quan đến nội dung xin cấp chứng chỉ hành nghề. Bản sao chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công xây dựng công trình đối với trường hợp xin cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình.
3. Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn về hoạt động xây dựng liên quan đến lĩnh vực xin cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Thông tư này. Bản khai có xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hoặc Hội nghề nghiệp (nếu là hội viên của Hội nghề nghiệp). Người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận.
Điều 8. Trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
1. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề gửi 02 bộ hồ sơ (kèm 02 ảnh mầu cỡ 3x4 chụp trong năm xin đăng ký) quy định tại Điều 7 tới Sở Xây dựng nơi xin cấp chứng chỉ hành nghề.
2. Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ; giao Hội đồng tư vấn nghiên cứu và xem xét hồ sơ.
3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng tổ chức xét cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định.
4. Giám đốc Sở Xây dựng quyết định cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân có đủ các điều kiện theo quy định.
5. Việc thu và sử dụng lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề (kể cả trường hợp xin cấp lại hoặc xin bổ sung nội dung hành nghề) thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Điều 9. Cấp lại hoặc bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề
1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp lại hoặc bổ sung nội dung trong các trường hợp sau:
a) Chứng chỉ cũ hết hạn sử dụng;
b) Bổ sung nội dung hành nghề;
c) Chứng chỉ cũ bị rách, nát;
d) Chứng chỉ bị mất;
đ) Chứng chỉ bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đã hết thời hạn thu hồi.
2. Điều kiện để được cấp lại chứng chỉ hành nghề:
a) Có đơn xin cấp lại chứng chỉ hành nghề nộp tại Sở Xây dựng, nơi đã cấp chứng chỉ hành nghề cũ;
b) Có chứng chỉ cũ (đối với trường hợp: chứng chỉ cũ bị rách, nát hoặc xin cấp bổ sung nội dung hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hạn);
c) Có bản sao các văn bằng, chứng chỉ và bản kê khai kinh nghiệm liên quan đến nội dung xin bổ sung hành nghề (đối với trường hợp xin bổ sung nội dung hành nghề);
d) Không vi phạm các quy định trong hoạt động xây dựng và pháp luật có liên quan.
3. Thời hạn xét cấp lại hoặc bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề như đối với trường hợp xin cấp mới. Sở Xây dựng có trách nhiệm xem xét để cấp lại chứng chỉ cho các đối tượng có đủ điều kiện theo quy định.
Đối với trường hợp xin cấp lại chứng chỉ do bị mất hoặc rách, nát thì Giám đốc Sở Xây dựng tự xem xét quyết định, không phải thông qua Hội đồng tư vấn.
4. Nội dung và thời hạn của chứng chỉ cấp lại được ghi như sau:
a) Ghi theo đúng nội dung và thời hạn của chứng chỉ cũ đối với trường hợp bị mất hoặc rách, nát.
b) Ghi bổ sung nội dung hành nghề, theo thời hạn của chứng chỉ cũ đối với trường hợp xin cấp bổ sung nội dung hành nghề.
c) Đối với trường hợp hết hạn thì nội dung và thời hạn ghi trong chứng chỉ được thực hiện như quy định đối với trường hợp cấp mới.
Mục II. HƯỚNG DẪN NỘI DUNG XÉT CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ
Điều 10. Các lĩnh vực hành nghề hoạt động xây dựng
Căn cứ vào trình độ chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động xây dựng của người xin cấp chứng chỉ hành nghề để xét cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân đó hoạt động các lĩnh vực sau đây:
1. Các lĩnh vực hành nghề kiến trúc sư bao gồm:
a) Thiết kế quy hoạch xây dựng;
b) Thiết kế kiến trúc công trình;
c) Thiết kế nội-ngoại thất công trình.
2. Các lĩnh vực hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng bao gồm:
a) Khảo sát xây dựng bao gồm:
- Khảo sát địa hình;
- Khảo sát địa chất công trình;
- Khảo sát địa chất thuỷ văn.
b) Thiết kế xây dựng bao gồm các chuyên môn chủ yếu dưới đây:
- Thiết kế kết cấu công trình;
- Thiết kế điện công trình;
- Thiết kế cơ điện công trình;
- Thiết kế cấp- thoát nước;
- Thiết kế cấp nhiệt;
- Thiết kế thông gió, điều hoà không khí;
- Thiết kế mạng thông tin- liên lạc trong công trình xây dựng;
- Thiết kế phòng cháy- chữa cháy;
- Thiết kế các bộ môn khác.
3. Lĩnh vực chuyên môn giám sát thi công xây dựng:
a) Giám sát công tác khảo sát xây dựng bao gồm:
- Giám sát công tác khảo sát địa chất công trình;
- Giám sát công tác khảo sát địa chất thuỷ văn;
b) Giám sát công tác xây dựng và hoàn thiện;
c) Giám sát công tác lắp đặt thiết bị công trình;
d) Giám sát công tác lắp đặt thiết bị công nghệ.
Điều 11. Nội dung xét cấp chứng chỉ hành nghề
Nội dung được phép hành nghề hoạt động xây dựng do Hội đồng tư vấn xem xét theo nguyên tắc nếu cá nhân được đào tạo theo các chuyên ngành tương tự thì nội dung hành nghề được xem xét chủ yếu căn cứ vào kinh nghiệm thực tế hoạt động xây dựng của cá nhân đó, cụ thể đối với từng trường hợp như sau:
1. Đối với chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư:
Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư cấp cho cá nhân có trình độ đại học thuộc chuyên ngành kiến trúc công trình hoặc quy hoạch xây dựng. Nội dung được phép hành nghề không nhất thiết căn cứ vào chuyên ngành người đó đã được đào tạo mà căn cứ chủ yếu vào thời gian và kinh nghiệm thực tế mà cá nhân đó đã tham gia thiết kế kiến trúc công trình, thiết kế quy hoạch xây dựng hay thiết kế nội – ngoại thất công trình. Trường hợp nếu người đó đã có đủ thời gian và kinh nghiệm thực tế thực hiện thiết kế kiến trúc công trình, thiết kế nội – ngoại thất công trình hay thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định thì được phép hành nghề một hoặc tất cả các lĩnh vực này.
Ví dụ: người tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiến trúc công trình, nếu có 5 năm thiết kế kiến trúc, đã tham gia thiết kế kiến trúc, hay thiết kế nội – ngoại thất 5 công trình và có 5 năm thiết kế quy hoạch xây dựng, đã tham gia thiết kế 5 đồ án quy hoạch xây dựng, thì được xem xét cấp loại chứng chỉ hành nghề kiến trúc với nội dung thiết kế cả kiến trúc công trình, thiết kế nội – ngoại thất công trình và thiết kế quy hoạch xây dựng.
2. Đối với chứng chỉ hành nghề kỹ sư:
Chứng chỉ hành nghề kỹ sư cấp cho cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành có liên quan đến công tác khảo sát xây dựng, thiết kế công trình xây dựng. Nội dung được phép hành nghề như sau:
a) Đối với cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa chất thuỷ văn: nội dung được phép hành nghề không nhất thiết phải căn cứ vào chuyên ngành khảo sát người đó đã được đào tạo mà chủ yếu căn cứ vào thời gian và kinh nghiệm thực tế theo quy định mà cá nhân đó đã tham gia thực hiện loại hình khảo sát nào để xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Ví dụ: người tốt nghiệp đại học chuyên ngành khảo sát địa chất, nhưng đã có 5 năm tham gia khảo sát địa hình và đã tham gia khảo sát địa hình 5 công trình thì được xem xét cấp loại chứng chỉ hành nghề kỹ sư với nội dung khảo sát địa hình công trình xây dựng.
b) Đối với cá nhân có bằng đại học thuộc các chuyên ngành xây dựng hoặc có bằng cao đẳng, trung cấp thuộc chuyên ngành khảo sát xây dựng, nếu đã có 5 năm tham gia khảo sát địa hình và đã tham gia khảo sát địa hình 5 công trình thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư với nội dung khảo sát địa hình trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình.
c) Đối với cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành xây dựng (như xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng giao thông, xây dựng thuỷ lợi): nội dung được phép hành nghề không nhất thiết phải căn cứ vào chuyên ngành xây dựng người đó đã được đào tạo mà chủ yếu căn cứ vào thời gian và kinh nghiệm thực tế theo quy định mà cá nhân đó đã tham gia thiết kế các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông hay thuỷ lợi.
Ví dụ: người tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng thuỷ lợi, nhưng đã tham gia thiết kế các công trình dân dụng với thời gian 5 năm trở lên, tham gia thiết kế ít nhất 5 công trình dân dụng thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư với nội dung hành nghề là thiết kế các công trình dân dụng.
d) Đối với cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành khác có liên quan đến thiết kế công trình (như cấp, thoát nước; cơ, điện công trình; cấp nhiệt; thông gió; điều hoà không khí; thông tin liên lạc; phòng cháy, chữa cháy..): nội dung được phép hành nghề phải phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, và căn cứ theo thời gian, kinh nghiệm thực tế mà cá nhân đó đã tham gia thực hiện thiết kế.
Ví dụ: người tốt nghiệp đại học chuyên ngành cơ khí hoặc điện thì chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư với nội dung hành nghề là thiết kế cơ - điện công trình nếu đã có thời gian tham gia thiết kế trong lĩnh vực này ít nhất 5 năm, thực hiện ít nhất 5 công trình.
3. Đối với chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình:
a) Những cá nhân có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành xây dựng (như xây dựng dân dụng và công nghiệp; xây dựng giao thông; xây dựng thuỷ lợi) nếu đã tham gia thực hiện thiết kế hoặc thi công xây dựng (hoặc trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực đã giám sát thi công) ít nhất 3 năm trở lên hoặc tham gia thực hiện thiết kế, thi công 5 công trình đã được nghiệm thu thuộc loại công trình nào thì được hành nghề giám sát thi công “xây dựng và hoàn thiện” đối với loại công trình đó.
Ví dụ: người tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, nhưng đã tham gia thiết kế hoặc thi công các công trình thuỷ lợi từ 3 năm trở lên hoặc thiết kế, thi công 5 công trình thuỷ lợi đã được nghiệm thu, thì được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, lĩnh vực chuyên môn giám sát là “xây dựng và hoàn thiện” loại công trình là công trình thuỷ lợi.
b) Đối với các lĩnh vực hành nghề giám sát “lắp đặt thiết bị công trình” và “lắp đặt thiết bị công nghệ” chỉ cấp cho cá nhân thuộc các chuyên ngành (như điện, cơ khí, cấp nhiệt, thông gió, điều hoà không khí, thông tin liên lạc, phòng cháy, chữa cháy…) nếu người đó đã tham gia thiết kế, thi công (hoặc trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực đã giám sát thi công) các công việc thuộc các chuyên ngành này từ 3 năm trở lên thì nội dung được phép hành nghề là giám sát “lắp đặt thiết bị công trình” hoặc “lắp đặt thiết bị công nghệ” hoặc cả hai nội dung này nếu cá nhân đó đã có đủ thời gian và kinh nghiệm theo quy định đối với từng lĩnh vực này.
c) Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình cấp cho cá nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp có màu hồng. Phạm vi hoạt động hành nghề giám sát đối với công trình cấp IV. Nội dung để xem xét ghi trong chứng chỉ hành nghề tương tự như hướng dẫn nêu tại điểm a, b khoản này.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Kiểm tra, thanh tra
1. Bộ Xây dựng giao Vụ Quản lý hoạt động xây dựng chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.
b) Tổng hợp tình hình cấp chứng chỉ hành nghề và quản lý hành nghề hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước.
2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
a) Cung cấp thông tin cho các đối tượng liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề;
b) Thành lập Hội đồng tư vấn để xét cấp chứng chỉ hành nghề;
c) Tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ thiếu hoặc không đúng quy định thì trong thời hạn 5 ngày làm việc phải thông báo cho người xin cấp chứng chỉ hành nghề bổ sung;
d) Cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định;
đ) Không cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân không có đủ điều kiện theo quy định;
e) Kiểm tra, thanh tra hoạt động hành nghề của cá nhân trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý;
g) Thu hồi chứng chỉ đối với người vi phạm theo quy định;
h) Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong hành nghề hoạt động xây dựng;
i) Thông tin trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng về tình hình cấp chứng chỉ hành nghề và thông tin về những trường hợp bị xử lý vi phạm được quy định tại Điều 13 của Thông tư này;
k) Giải quyết khiếu nại, tố cáo những vi phạm trong việc thực hiện Thông tư này theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý;
l) Lưu trữ hồ sơ gốc;
m) Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình cấp chứng chỉ hành nghề; quản lý hành nghề hoạt động xây dựng tại địa phương.
Điều 13. Xử lý vi phạm
1. Cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề nếu làm giấy tờ giả hoặc khai báo không trung thực thì không được xét cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian 1 năm.
2. Cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề nếu vi phạm quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan thì sẽ bị xử lý như sau:
a) Thu hồi chứng chỉ trong thời gian 1 năm, nếu phát hiện có sự khai báo không trung thực trong hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề hoặc hành nghề không đúng với nội dung ghi trong chứng chỉ;
b) Thu hồi chứng chỉ trong thời gian 3 năm, nếu tự ý tẩy xoá, sửa chữa chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ để hành nghề; vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động xây dựng;
c) Ngoài việc bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, tuỳ theo mức độ vi phạm cá nhân vi phạm còn bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Thẩm quyền xử lý vi phạm:
a) Sở Xây dựng thu hồi chứng chỉ hành nghề do Sở Xây dựng đã cấp đối với các trường hợp vi phạm nêu tại điểm a, b khoản 2 Điều này (hoặc theo yêu cầu thu hồi của Bộ Xây dựng). Đồng thời thông báo cho Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan biết để xử lý theo thẩm quyền.
b) Bộ Xây dựng xử lý các cơ quan, cá nhân vi phạm các quy định trong quá trình thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Điều 14. Điều khoản thi hành
Các chứng chỉ hành nghề sau đây vẫn còn giá trị và được tiếp tục sử dụng đến khi hết hạn ghi trên chứng chỉ:
1. Chứng chỉ kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án đã cấp theo quy định tại Quyết định số 91/BXD-ĐTngày 16/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế hành nghề kiến trúc sư;
2. Chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình đã cấp theo Quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình;
3. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình đã cấp theo Quyết định số12/2005/QĐ-BXD ngày 18/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình.
4. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư đã cấp theo Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD ngày 25/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng.
Khi hết hạn sử dụng ghi trên các chứng chỉ hành nghề nêu trên, cá nhân xin cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định của Thông tư này.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2009.
2. Thông tư này thay thế cho các văn bản sau đây:
a) Quyết định số 91/BXD-ĐT ngày 16/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế hành nghề kiến trúc sư.
b) Quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình.
c) Quyết định số 12/2005/QĐ-BXD ngày 18/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình.
d) Quyết định số 15/2005/QĐ-BXD ngày 25/4/2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để báo cáo);
- ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao
- Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước;
- Website của Chính phủ, Website của Bộ Xây dựng;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng, Thanh tra XD;
- Lưu: VP, HĐXD.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Cao Lại Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét